Cẩm lai được xếp vào nhóm gỗ ngoại hạng đã và đang được sử dụng nhiều. Cần được nghiên cứu bảo vệ thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt.
Tên khoa học: Dalbergia bariaensis Pierre.
1.Đặc điểm nhận biết
Cây gỗ nhỏ, cao 20 – 25m, đường kính 40 – 60cm, vỏ màu xám tro, rải rác các điểm đốm trắng hoặc vàng nhạt. Vết vỏ đã dày, có mùi sắn dây. Tán xoè rộng, phân cành thấp, cành non màu xám xanh, vỏ nhiều sợi dai, nhẵn, không nứt.
Lá kép lông chim 1 lần mọc cách, cuống dài 11 – 13cm, mang 11 – 23 lá chét, lá chét hình trái xoan thuôn dài, mặt trên lá màu lục, mặt dưới hơi bạc, phiến lá nhẵn. Cuống lá chét có 5 răng nhỏ. Hoa lưỡng tính, không đều. Đài hộp ống, mép có 5 răng không đều xếp thành 2 môi. Tràng 5 cánh màu trắng phớt tím. Nhị to thường thành 2 bó 9 + 1. Quả đậu dẹt, dài 12 – 14cm, rộng 2,5cm mỏng, khi chín không tự nứt. Hạt 1 – 2 hình thận, màu nâu đen.
2. Đặc tính sinh học và sinh thái học
+ Cây mọc chậm, cây 30 tuổi ở Đồng Nai cao trung bình 9,75m, đường kính 15cm. mùa hoa tháng 12 - 1. Quả chín tháng 2 - 4.
+ Cây ưa sáng, lúc nhỏ chịu bóng. Thường mọc ở nơi ẩm ven sông suối nơi đất tương đối bằng mọc rải rác hoặc thành đám nhỏ trong rừng rậm thường xanh nhiệt đới. Có thể gặp cả ở rừng cây họ dầu hoặc rừng nửa rụng lá. Cây tái sinh hạt kém.
3. Phân bố địa lý
Cây đặc hữu ở Đông dương. Ở Việt Nam cây mọc tự nhiên trong các tỉnh phía nam như: Gia Lai, Kon Tum, ĐăkLăk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh…
4. Giá trị sử dụng
+ Dác màu vàng nhạt, lõi đỏ sẫm có vân màu tím đen. Gỗ cứng nặng, thớ mịn, dễ làm dễ đánh bóng nhưng hay biến dạng. Thường dùng gỗ cẩm lai đóng đồ dùng cao cấp, đồ mỹ nghệ, gỗ có giá trị xuất khẩu cao.
5.Khả năng kinh doanh
+ Cẩm lai được xếp vào nhóm gỗ ngoại hạng đã và đang được sử dụng nhiều. Cần được nghiên cứu bảo vệ thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt.
+ Là loài cây cho gỗ quý đang trở nên hiếm dần.