Cây 'tỷ đô' ở Tây Nguyên sắp thành hiện thực?
Ngày 12/12, tại một hội thảo ở huyện Tuy Đức (Đắc Nông), cây mắcca một lần nữa được các chuyên gia đầu ngành và nhiều nông hộ khẳng định là cây siêu lợi nhuận.
|
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trao đổi với nông dân tại một vườn mắc ca ở huyện Tuy Đức, Đắc Nông. |
Hơn nửa tỷ đồng/ha/năm?
Đến dự hội thảo, ông Bùi Hữu Hòa - một nông hộ ở xã Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng - giới thiệu: “Năm 2008, tôi trồng xen mắcca trên 2ha càphê, năm 2010 trồng thêm 1ha nữa, lứa đầu đã cho thu bói hai năm nay. Cà phê vẫn thu hoạch bình thường, tôi có thêm 170 triệu đồng từ mắcca, đó là thu bói cho vui thôi”.
Ông Nguyễn Công Tạn - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - cho biết, cây mắcca sống cả trăm năm, từ năm thứ bảy vườn cây mới định hình, kinh doanh chính thức. Khi đó, một hécta cho thu khoảng 5 tấn hạt, với giá bán 125.000 đồng/kg như hiện nay, tổng giá trị khoảng 600 triệu đồng.
Như vậy, so với cà phê (năng suất bình quân 2,2 tấn/ha, giá hiện tại 35.000 đồng/kg, tổng doanh thu 77 triệu đồng/ha) thì cây mắcca cho doanh thu lớn gấp 7 lần.
Còn GS Nguyễn Lân Hùng kể chuyện mắt thấy tai nghe: “Người dân Trung Quốc đã trồng hàng chục nghìn hécta mắcca. Riêng Vân Nam đang phấn đấu mỗi năm trồng thêm 300ha. Còn ở Quảng Tây, Công ty Kim Cương đã thu hoạch giai đoạn đầu được 800 tấn quả khô”.
Từ đó, giáo sư đặt vấn đề: “Chúng tôi không tham vọng thay thế cà phê ở Tây Nguyên bằng mắcca, nhưng rõ ràng Tây Nguyên đang gặp khó về vốn, quy trình kỹ thuật, khả năng rủi ro trong tái canh diện tích cà phê già cỗi. Vậy tại sao không thay thế diện tích cà phê già cỗi, các vườn cây kém phát triển bằng cây mắcca hoặc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê? Chỉ tính năng suất 10kg hạt, mỗi cây mắcca đã cho bạc triệu rồi, mỗi hộ chỉ trồng 100 cây là đổi đời”.
Không chỉ siêu lợi nhuận, mà với dự kiến giá trị xuất khẩu lên tới nhiều tỷ USD trong vài năm tới; vì thế, người ta gọi mắcca là “cây tỷ đô”.
Về thị trường tiêu thụ mắcca, ông Nguyễn Công Tạn cho biết, cả thế giới đều có nhu cầu, nhưng trước hết là 11 nước Đông Nam Á với khoảng 500 triệu người tiêu dùng.
“Về cơ bản, các nước Đông Nam Á có hệ sinh thái nông nghiệp gần giống nhau, nhưng các nước khác ưu thế hơn Việt Nam về caosu, cọ dầu và một phần cà phê, còn ta hơn hẳn họ về tiềm năng mắcca” - ông Tạn nói.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết thêm, thế giới hiện cần khoảng 400.000 tấn mắcca/năm, trong khi khả năng đáp ứng chỉ 100.000 tấn/năm. Ở trong nước, do chưa có nhiều nguyên liệu nên cơ sở thu mua còn ít, ngoài DonaFood, ThaibinhFood...
Cơ hội cho Tây Bắc, Tây Nguyên?
Từ năm 2010 đến nay, người dân Đắc Nông đã trồng khoảng 500ha mắcca, trong đó 233ha tại huyện Tuy Đức. Tham quan một số vườn mắcca ở huyện này, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ sống đạt 95%, cây phát triển tốt, đậu quả đều, thời gian cho quả không muộn hơn dự kiến.
Ông Trần Đình Mạnh - Chủ tịch UBND huyện - cho biết, với kết quả bước đầu, tỉnh đã cho chủ trương lập quy hoạch phát triển 7.000-10.000ha mắcca tại Tuy Đức.
GS Hoàng Hòe - nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ NNPTNT - thông tin: “Bộ đã giao cho Viện Điều tra quy hoạch rừng lập quy hoạch phát triển mắcca tại Tây Bắc và Tây Nguyên, tôi là thành viên của hội đồng. Hiện chưa có báo cáo chính thức, nhưng bước đầu xác định Tây Nguyên có 1 triệu hécta đất phù hợp cao nhất với cây mắcca, trong đó 50% thuộc tỉnh Đắc Nông. Các vườn cây thử nghiệm tại đây cũng cho thấy, không phải nghi ngờ gì về điều đó”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Khải - GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắc Nông - vẫn tỏ ra e ngại: “Trước ai cũng lo trồng mắcca ở Tuy Đức không có quả, bây giờ thấy có rồi, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật, thăm dò thị trường... và chưa nên khuyến cáo người dân trồng đại trà”.
Việc các nhà khoa học và chính quyền địa phương có tâm huyết, táo bạo trong việc “mở đường” phát triển là điều rất đáng trân trọng, song rõ ràng là các vấn đề của cây mắcca mới chỉ được giải quyết về mặt lý thuyết. Vì vậy cần có thêm thời gian để các vườn cây hiện có định hình về năng suất, chất lượng, tiêu thụ ổn định, có kết luận thực tiễn trước khi đưa ra những tham vọng lớn hơn.
Mắcca là gì?
Mắcca (macadamia) là cây lâm nghiệp được người Úc phát hiện năm 1857, trồng thành công năm 1858. Nhân của quả mắcca có chứa 87% hàm lượng axít béo không no, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Mắcca được sử dụng làm thực phẩm như hạt điều (nhưng ngon hơn nên được gọi là “hoàng hậu” quả khô) hoặc ép dầu, làm dung môi trong sản xuất mỹ phẩm, hương liệu. Trên thế giới hiện có 78.000ha mắcca, tập trung chủ yếu tại Australia, Mỹ, Trung Quốc...
Xuất hiện cây “tỷ đô” mới ở Việt Nam
(Dân trí) - Mắc ca là loại cây cho quả khô quý hiếm. Một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg quả và với giá hiện nay khoảng 15 USD/kg nhân thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha và có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD/năm.
Mắc ca (tên đầy đủ là macadamia) là một giống cây trồng khá mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nếu xét về giá trị kinh tế, không có loại cây nào đủ sức cạnh tranh với mắc ca bởi hạt của cây trồng này có hàm lượng dầu béo lên tới 78%, cao hơn rất nhiều so với hàm lượng chất béo sau khi rang của lạc nhân (44,8%), hạt điều (47%), hạnh nhân (51%), hạt hạch đào (63%).
Hạt mắc ca có hàm lượng dầu béo lên tới 78%
Được đưa vào khảo nghiệm ở Việt Nam từ năm 2002, đến nay, cây trồng này đã hoàn toàn thích nghi và phát triển tốt ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá rằng Việt Nam cũng có đầy đủ các yếu tố để phát triển cây mắc ca thành một ngành kinh tế mới với tiềm năng vô cùng to lớn.
“Tại các nước phát triển trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ mắc ca ngày một tăng cao và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu vì sản lượng mắc ca trên toàn thế giới mới đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu. Tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm,” Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhận định tại Hội thảo “Phát triển cây macadamia vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên” tổ chức sáng 08/7 tại Hà Nội.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho biết, hai vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam rất phù hợp để phát triển cây macca do đó có thể coi là điều kiện đặc hữu của Việt Nam trong việc trồng cây mắc ca. Thực tế canh tác cho thấy một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg quả và với giá hiện khoảng 15 USD/kg nhân thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm.
Nhận thấy tiềm năng và giá trị của cây mắc ca, Việt Nam đang hướng tới nhân rộng phát triển diện tích trồng cây maca, tập trung cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên góp phần tăng thu nhập cho người nông dân tại đây.
Nếu phát triển đúng hướng và có mức đầu tư thích đáng Việt Nam có thể trở thành cường quốc về cây mắc ca, mang lại nhiều giá trị kinh tế cho đất nước ngoài những nông sản xuất khẩu truyền thống như gạo, cà phê, caocao, tiêu, điều,…vv.
Nguyên An
1 triệu đồng/kg nhân hạt cây 'tỷ đô' ở Việt Nam
Quả mắc ca khô giá dao động 300.000 đến 400.000 đồng/kg, loại nhân được bóc tách sẵn giá 900.000 đến 1.000.000 đồng/kg, là thứ hạt xa xỉ ở Việt Nam hiện nay.
Hạt mắc ca (Macadamia) được coi là loại hạt ngon nhất, mất nhiều công chăm sóc nhất và là loại hạt đắt đỏ nhất thế giới. Hạt có kích cỡ từ 2-3cm, hình tròn, màu crème, rất thơm, nhân mềm như bơ và tan mịn trên đầu lưỡi khi cho vào miệng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhân của hạt mắc ca có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc (44,8%), nhân điều (47%)…
Anh Tùng, ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội bắt đầu bán hạt dinh dưỡng mắc ca đầu năm 2008. Anh biết đến loại hạt này từ một người bạn Việt Kiều về nước mang theo. Theo bạn anh, đây là loại hạt quý, hiếm, giá đắt nên nó được mệnh danh là “hoàng hậu" trong các loại hạt.
Giá loại quả mắc ca khô, còn vỏ cứng, chưa nứt hiện ở mức 300.000 đến 350.000 đồng/kg, loại còn vỏ nhưng đã nứt giá 400.000 đồng/kg. Riêng nhân đã được tách vỏ giá dao động 900.000 - 1.000.000 đồng/kg.
|
Hạt mắc ca quý hiếm, có giá đắt đỏ, được mệnh danh là "hoàng hậu" trong các loại hạt. |
Theo anh Tùng, do hạt mắc ca hiếm, phải nhập từ thị trường châu Úc nên có giá đắt đỏ. Anh cho biết, hiện tại một số vùng ở Việt Nam cũng có trồng được mắc ca, nhưng do kĩ thuật trồng còn hạn chế nên sản lượng ít, chất lượng dinh dưỡng chưa cao nên nguồn hàng không ổn định.
Giá cao, giàu dinh dưỡng, song vì nhiều người chưa biết đến sản phẩm này nên anh Tùng cho biết, cửa hàng chỉ bán được lượng nhỏ. Thường mỗi tháng, cửa hàng anh Tùng bán được 1-2kg hạt mắc ca các loại. Người mua đông chủ yếu vào giáp Tết, thời điểm ấy anh bán từ 5-6kg, nhưng khách hàng chủ yếu là người có thu nhập cao.
|
Hạt mắc ca được coi là là loại hạt dinh dưỡng xa xỉ trong gia đình Việt. Ảnh: Ngọc Lan. |
Chị Nguyễn Thu Nhuần (Tây Hồ, Hà Nội), đã từng mua hạt mắc ca về dùng trong gia đình, cho biết, đây là loại hạt có nhiều đinh dưỡng, ăn béo ngậy như chocolate. Tuy nhiên, mắc ca quá đắt nên chỉ mua vào những dịp đặc biệt. Tết vừa rồi, chị Nhuần mua 2 kg nhân hạt mắc ca giá 2 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của chị Nhuần, hạt mắc ca khó bóc tách và lại dễ bị vỡ, khách nên mua nhân rang sẵn để tiện sử dụng.
Trong khi đó, anh Khánh, ở Hà Đông, Hà Nội chuyên bán hạt dinh dưỡng cho biết, trong tất cả các loại hạt như óc chó, hạt dẻ, hạt dẻ cười, hạt thông... thì mắc ca khô dù giá cao nhưng lại bán khá chạy. Có giá đắt nên anh Khánh thường đóng theo hộp nhỏ, loại 680g tại cửa hàng anh có giá 650.000 đồng/hộp. Anh cho biết, hạt mắc ca ngày càng phổ biến, nên gần đây khách hỏi mua đông hơn.
Khác hàng của anh Khánh chủ yếu là Việt kiều, ngoài ra còn những quán kem, bánh. Theo anh, khách thường mua loại quả khô, vỏ nứt về chế biến hoặc rang lên ăn liền.
Hiện nay, ngày bình thường anh Khánh bán được 6 - 7 hộp. Những dịp lễ, Tết lượng bán tăng gấp 3-4 lần. Anh cho biết, phải nhập hạt mắc ca ở Hawaii, Mỹ, vì Việt Nam hiện chưa có nơi phân phối chính thức loại hạt này.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho biết, hai vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam rất phù hợp để phát triển cây mắc ca, do đó có thể coi là điều kiện đặc hữu của Việt Nam trong việc trồng cây này. Thực tế canh tác cho thấy một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg quả, và với giá hiện khoảng 15 USD/kg nhân thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha, và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm.
Ngọc Lan
Cây ‘tỷ đô’ thích hợp trồng ở đâu tại Việt Nam?
Mắc ca (tên đầy đủ là macadamia) hay còn gọi là cây "tỷ đô" là một giống cây trồng khá mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nếu xét về giá trị kinh tế, không có loại cây nào đủ sức cạnh tranh với mắc ca.
Bởi lẽ, hạt của cây trồng này có hàm lượng dầu béo lên tới 78%, cao hơn rất nhiều hàm lượng chất béo sau khi rang của lạc nhân (44,8%), hạt điều (47%), hạnh nhân (51%), hạt hạch đào (63%).
Được đưa vào khảo nghiệm ở Việt Nam từ năm 2002, đến nay, cây trồng này đã hoàn toàn thích nghi và phát triển tốt ở Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá rằng Việt Nam cũng có đầy đủ các yếu tố để phát triển cây mắc ca thành một ngành kinh tế mới với tiềm năng vô cùng to lớn.
Tại Hội thảo Phát triển cây mắc ca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên sáng 8/7, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhận định:'Tại các nước phát triển, nhu cầu tiêu thụ mắc ca ngày một tăng cao và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu vì sản lượng mắc ca trên toàn thế giới mới đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu.
Ông cho biết, 2 vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên rất phù hợp để phát triển cây mắc ca.
Mắc ca có giá trị kinh tế rất cao.
Cây tỷ đô sẽ được phát triển như thế nào?
Thực tế, sau hơn 10 năm loại cây này được trồng thử nghiệm tại một số địa phương thuộc các tỉnh miền Tây Bắc, Tây Nguyên, những lợi ích mà nó mang lại là khá rõ ràng.
Công ty Cổ phần Macca (Macadamia) Điện Biên là một trong những đơn vị trực tiếp trồng thử nghiệm loại cây này. Trong năm 2012 và 2013, công ty đã trồng thí điểm và mở rộng diện tích được trên 57 ha tại tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, nhiều nông dân trực tiếp hợp tác với công ty trồng loại cây này đã đánh giá, đây là loại cây rất phù hợp với khí hậu miền núi, đặc biệt khác với các loại cây trồng khác, mắc ca ít xuất hiện sâu bệnh, điều mà người nông dân lo lắng nhất mỗi khi xác định trồng cây gì, nuôi con gì.
Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển cây mắc ca thành một ngành kinh tế mới với tiềm năng vô cùng to lớn. Và nếu như nhìn một cách khách quan, cây mắc ca sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn không thua kém gì các loại cây trong danh sách "tỷ đô” như cà phê, ca cao đang được trồng rộng khắp hiện nay. Thậm chí nó còn có giá trị kinh tế cao hơn cà phê vì lợi nhuận lớn hơn, còn chi phí đầu vào cũng "dễ thở” hơn.
Cây mắc ca là cây lâu năm, bắt đầu cho quả từ năm thứ 5 và đạt năng suất cao từ năm thứ 7. Cây mắc ca có thể cho quả tới 60 năm tiếp theo và thân gỗ của nó có thể sử dụng cho công nghiệp chế biến gỗ. Chi phí phân bón và chăm sóc đối với loại cây này không quá 50.000 đ/cây mỗi năm.
Cây mắc ca sẽ là cây chủ lực cho phát triển kinh tế tại Tây Bắc và các tỉnh Tây Nguyên.
Đối với các tỉnh phía Bắc, mắc ca còn có thể trở thành loại cây phủ xanh, giữ đất… Như vậy sau cao su, cà phê, cây mắc ca sẽ là cây chủ lực cho phát triển kinh tế ở Tây bắc. Khi kế hoạch thay thế 100.000 ha cà phê già cỗi bằng mắc ca ở Tây Nguyên được thực hiện xong, cùng với hàng nghìn ha mắc ca ở Tây Bắc, Việt Nam ngoài việc được biết tới là một cường quốc về cà phê, hạt tiêu, lúa … sẽ còn là một cường quốc về mắc ca.
Khảo sát thực tế tại các tỉnh Tây nguyên cho thấy, 1 ha cà phê có khoảng 1.100 cây, tính trung bình mỗi năm thu được 3,8 tấn, vụ cà phê vừa rồi giá bán khoảng 40.000 đồng/kg thu 155 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha mắc ca trồng khoảng 300 cây, đến thời điểm 9 năm tuổi thu 4,5 tấn. Với giá bán 120.000 đồng/kg đã thu được 540 triệu đồng. Về chi phí, mỗi năm 1 cây mắc ca chỉ tốn hết 3kg phân, hết 9 tạ/ha, trong khi đó trồng cà phê cũng bón 3kg/cây mất 3,3 tấn/ha. Như vậy, mắc ca cho doanh thu lớn hơn, trong khi chi phí cho phân bón và chăm sóc lại thấp hơn trồng cà phê. Với thực tế này nếu trồng xen cà phê và mắc ca sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Nhận thấy tiềm năng và giá trị của cây mắc ca, Chính phủ cũng đang hướng tới mục tiêu nhân rộng phát triển diện tích trồng loại cây này, tập trung cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Và để khuyến khích nông dân đầu tư, doanh nghiệp nhân rộng loại cây quý này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong đó nhấn mạnh: "Các dự án trồng cây mắc-ca có quy mô từ 50 héc ta trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/héc ta để xây dựng đồng ruộng, cây giống; hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở”.
Tuy nhiên, do đây là một loại cây trồng mới nên cả DN và người nông dân còn đang rất e dè. Số DN tham gia đầu tư trực tiếp vào loại sản phẩm này cũng khá rải rác, thưa thớt. Có thể điểm ra đây một số doanh nghiệp như công ty Cổ phần Vinamaca, IDT Group, gần nhất là Lienviet Postbank cũng công bố đề án 10.000 tỷ đồng đầu tư vào mắc ca. Như vậy, có thể thấy, số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào loại cây trồng này khá khiêm tốn.
Tại một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề phát triển loại cây được kỳ vọng là "cây tỷ đô” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng đây là một lĩnh vực đầu tư đột phá cần phải nhanh chóng triển khai.
Dẫu vậy, vẫn còn ý kiến cho rằng, với những đặc tính ưu việt của mắc ca, phát triển nhân rộng là điều nên khuyến khích. Song, cũng cần phải có những bước đi thận trọng với quy hoạch và chiến lược cụ thể, để tránh tình trạng nông dân trồng tự phát rồi lại chặt bỏ đã từng xảy ra như đối với cây cà phê, ca-cao.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Cận cảnh "dung nhan" của cây "tỷ đô" mắc-ca
Tại Việt Nam, 1kg hạt mắc-ca bóc vỏ đáng giá gần 1 triệu đồng. Không quá lời khi phong tặng vương miện "hoàng hậu" cho loại hạt quý giá này. Cùng Dân Việt chiêm ngưỡng "dung nhan" cận cảnh của mắc-ca.
Mắc-ca là loại cây quý nhưng chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam
Quả mắc-ca dần chuyển từ xanh sang nâu khi chín
Với giá trị kinh tế rất cao, mắc-ca được kỳ vọng sẽ là cây nông-lâm tỷ đô tại Việt Nam trong tương lai.
Vỏ hạt mắc-ca rất cứng, không dễ tách ra được
Hạt mắc-ca nhìn rất hấp dẫn sau khi đã được tách vỏ cứng
Hạt mắc-ca rất giàu chất dinh dưỡng, tốt cho tim mạch, phụ nữ có thai và trẻ em.
Mắc-ca là loại nguyên liệu tuyệt vời khi làm bánh
Hạt mắc-ca được sử dụng khá phổ biến trong những món ăn cao cấp ở châu Âu.
Tuy nhiên, để trồng được mắc-ca cần có kỹ thuật chăm sóc yêu cầu khắt khe
Mắc ca sẽ sớm thành “cây tỷ đô”
(Dân Việt) - Ông Nguyễn Công Tạn - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định như vậy về triển vọng phát triển cây mắc ca ở Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Tạn cho biết:
|
Một vườn cây giống mắc ca ở Đăk Lăk.
|
- Mắc ca là loại cây cho quả khô quý hiếm. Nhân mắc ca có hàm lượng dầu tới 78%… Trong dầu, mắc ca có trên 87% là axit béo không no, khi ăn vào giúp giảm cholesteron… Vì thế, mắc ca được mệnh danh là "hoàng hậu của quả khô".
Ở Việt Nam, từ năm 2002, mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm diện hẹp. Thực tế cho thấy, mắc ca rất thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Tây Nguyên, Tây Bắc và đem lại giá trị kinh tế - xã hội lớn, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, đến nay, cây mắc ca chưa có vị trí xứng đáng.
- Trên thế giới, hiện mắc ca có thị trường tiêu thụ rộng lớn, dự báo có thể lên tới 40 vạn tấn/năm. Nhưng sản lượng bây giờ mới chỉ khoảng 10 vạn tấn/năm, cung không đủ cầu, giá bán rất cao. Ở Việt Nam, qua thực tế nghiên cứu cho thấy, cây mắc ca ghép sau khi trồng 3- 4 năm đã bói quả, đến năm thứ 7 khi cây đã định hình, mỗi ha có thể cho tới 10 tấn quả, tương đương 3 - 4 tấn hạt.
Với giá bán như hiện nay, 1ha mắc ca giá trị đạt tới 2.000- 3.000USD. Nếu xét về giá trị kinh tế, không có loại cây nào đủ sức cạnh tranh với mắc ca. Trong 10 năm nữa, mắc ca sẽ trở thành cây tỷ đô (USD - PV); 20 năm nữa nó còn có thể vượt qua kim ngạch xuất khẩu của lúa gạo.
- Cái mắc nhất hiện nay là người dân chưa biết nhiều về cây mắc ca; thậm chí mắc ca còn đang bị "ghẻ lạnh" vì chưa có quy hoạch phát triển chính thức cho vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Hiện nay, có 2 nơi tin cậy cung cấp giống mắc ca là một công ty ở Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và Ba Vì (Hà Nội), mỗi năm cũng chỉ cung cấp được chừng 30 vạn cây giống.
- Cá nhân tôi cho rằng khó có giống chất lượng kém hoặc giống xấu vì tất cả các giống mắc ca ở Việt Nam hiện đều có nguồn gốc từ Úc và Mỹ, đã được chọn lọc cẩn thận. Cái quan trọng nhất là khi đưa về Việt Nam sau nhiều năm chọn lọc sẽ được những giống tốt hơn, lý tưởng hơn. Có một vấn đề ở đây là khi nông dân mua giống cây ghép thì 3 năm đã bói quả, còn mua giống cây thực sinh thì sau 5-7 năm mới có quả.
- Đầu tư cho một xưởng chế biến mắc ca cỡ nhỏ làm bánh kẹo chỉ vài trăm triệu thôi, không phải là vấn đề lớn. Tất nhiên, sau này để chế biến tinh dầu, hương liệu, nước hoa…, thì cần phải đầu tư lớn hơn, công nghệ hiện đại hơn. Nhưng cái vướng nhất hiện nay là doanh nghiệp đợi nguyên liệu của nông dân, còn nông dân chần chừ vì chưa có sự vào cuộc của doanh nghiệp.
Trong nhiều năm qua, macadamia là cây được rất nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển. Tuy nhiên các thống kê cho thấy sẽ còn lâu cung mới đuổi kịp cầu, giá cả macadamia trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng và là hàng nông sản đắt giá nhất trên thị trường thế giới hiện nay.
Diện tích và sản lượng Macadamia hiện nay rất thấp tính theo tỉ trọng các loại hạt cứng ăn được khác, chỉ bằng khoảng 2%. Tính hấp dẫn và đặc điểm sử dụng nhân macadamiacho phép nâng diện tích và sản lượng lên gấp bội. Có thể nâng diện tích gấp hàng trăm lần hiện nay mới đủ làm bão hoà thị trường.
Mặc dù vậy việc mở rộng diện tích trồng macadamia lại là vấn đề không đơn giản do loại cây này yêu cầu thổ nhưỡng và khí hậu khá đặc biệt. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia giàu tiềm năng với 2 vùng thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho việc phát triển cây macadamia đó là Tây Bắc và Tây Nguyên. Đây là 2 vùng hứa hẹn biến macadamia trở thành cây “tỷ đô” và sẽ vượt xa giá trị xuất khẩu so với lúa, gạo hiện nay.
Australia là nước đầu tiên phát triển cây macadamia, kế tiếp là Mỹ, Nam Phi và Kenia là những nước đến sau. Tuy nhiên hiện nay, sau gần 20 năm, Nam Phi đã vượt lên hàng thứ 2 với sản lượng tăng gấp gần 10 lần (từ gần 4000 tấn hạt vào năm 1996 lên gần 30.000 tấn hạt vào 2011. Kenia cũng nổi lên với mức tăng sản lượng từ 4.400 tấn lên trên 13.000 tấn. Các quốc gia đến sau lại có bước tăng trưởng rất ngoạn mục một phần bởi chi phí nhân công và các chi phí khác ở các quốc gia này thấp hơn so với các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó quỹ đất và điều kiện tự nhiên cũng là thế mạnh. Đối với Việt Nam, hai lợi thế nói trên cũng hứa hẹn một tiềm năng phát triển rất lớn trong một tương lai gần.
Sản lượng macadamia ở 4 quốc gia dẫn đầu thế giới về macadamia