Cao su bầu hạt cắt ngọn
Liên hệ: 0903545099
Thả nổi giống cao su tiểu điền
Liên hệ: 0903545099
Thả nổi giống cao su tiểu điền
Nhan nhản cơ sở sản xuất cây giống
Có mặt tại khu vực đường Quốc lộ 13 nằm trên địa bàn xã Trừ Văn Thố, giáp Trạm thu phí Chơn Thành (Bình Phước) rất dễ nhận thấy có rất nhiều cơ sở mua bán cây giống cao su tràn ra hai bên đường để “tiếp thị”, bởi đang vào thời điểm “nhà nhà” xuống giống cao su. Đặc điểm hầu hết các cơ sở này đều không có bảng hiệu, chỉ ghi số ĐTDĐ để khách hàng liên hệ. Trong vai một khách hàng mua 1.100 cây giống cao su để trồng 2,1 ha sắp tới, chúng tôi vào cơ sở bán cây giống cao su của chị Huệ. Tại đây, có hàng ngàn cây giống trồng bằng tum trần và bầu hột được sắp xếp ngay hàng thẳng lối với giá thấp nhất là 13.000 đồng/tum, cao nhất là bầu hột từ 18.000-20.000/bầu, so với năm ngoái thì giá cao hơn khoảng 30%.
Khi chúng tôi đặt vấn đề cơ sở có hợp đồng đảm bảo chất lượng cây giống không thì chị Huệ tròn xoe mắt nói: “Bộ mới trồng cao su hay sao mà hỏi. Từ trước đến nay, không có cơ sở nào hợp đồng đảm bảo chất lượng hết. Ở đây tụi tui chỉ đảm bảo là giống PB230 của Viện Nghiên cứu Cao su (?) đưa ra, trồng tỷ lệ sống đạt trên 90% là được rồi”.
Thấy chúng tôi còn ngần ngại, chị Huệ chỉ vào bên kia đường 1 chiếc xe tải lớn từ ngoài Bắc vào mua cây giống cao su rồi nói thêm: “Xe biển số 37 của Nghệ An đó, họ vào đây mua 150 ngàn cây giống PB230 của ông “Chín đầu bạc” mà có đòi hỏi chất lượng gì đâu. Nếu có mua thì tui bớt giá cho, bên kia bán 12.500 đ/tum số lượng nhiều, còn tui bán 12.800đ thôi, nhanh lên tụi này thuê xe cho”.
Ai kiểm soát?
Ông Huỳnh Thành Công- phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lai Hưng ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết, dù địa phương có lợi thế là nơi “đóng chân” của Trung tâm Nghiên cứu Cao su Lai Khê (Viện Nghiên cứu Cao su VN) nhưng vẫn còn bị “dính” khoảng 10-20% giống tạp trên tổng số 3.000 ha cao su tiểu điền. “Hiện nay, không ai quản lý giống cao su cả. Lúc trồng thì không thấy gì vì cây vẫn sinh trưởng tốt. Chỉ đến khi khai thác mới phát hiện cho mủ rất thấp. Nhiều hộ dân phải chặt bỏ trồng lại hoặc bán lại cho các đại gia ở trên thành phố”. Ông Công đơn cử trường hợp bà Nguyễn Thị T., (ấp Cầu Đôi) trồng 2,2 ha, sau 5 năm cây nhỏ xíu, cho mủ kém, bà T bán lại cho ông V mới tập tành trồng cao su ở TPHCM giá 2 tỷ. Ông V mua về té ngửa đành rao bán lại, chấp nhận lỗ vốn nhưng chẳng ai thèm hỏi.
Điều đáng nói là, đã có không ít cơ sở giống tư nhân sau khi mua giống của Trung tâm Lai Khê mang về ghép trên vườn nhân, tuy không được kiểm định chất lượng nhưng dựa vào “giống của Viện” mà bán với giá trên trời với số lượng không hạn chế. Ông Hiếu, chủ cơ sở sản xuất giống không có bảng hiệu nằm đối diện với Trung tâm Lai Khê, cho biết ông mua 4.000 mét gỗ cành giống LH 90952 của Trung tâm Lai Khê có khả năng sản xuất từ 80.000-100.000 bầu giống bán với giá 16.000 đ/bầu. Ông quảng cáo: “Đây là giống “siêu” mủ, năng suất cao gấp hai lần giống PB230, chỉ có tui độc quyền thôi. Nếu hợp đồng lao động đào hố để trồng bảo đảm cây sống thì tăng thêm 10.000/bầu”. Nhưng khi chúng tôi yêu cầu làm hợp đồng bảo đảm sản lượng mủ sau này thì ông Hiếu lắc đầu ngay: “Đây là giống của Viện thì cứ yên tâm” (!?)
Các cơ sở kinh doanh cây giống cao su hiện nay gần như tự do hoạt động mà không chịu sự kiểm tra, quản lý nào. Cụ thể, tại 2 xã Minh Long, Thành Tâm (Chơn Thành, Bình Phước) trong mùa xuống giống năm nay có đến 200 cơ sở và hộ gia đình sản xuất cây giống cao su, nhưng chỉ có khoảng 10 cơ sở có đăng ký với Chi cục Bảo vệ thực vật, còn lại là hoạt động… “chui”. Thế nên, trên tuyến đường Quốc lộ 13, 14 chạy dài từ Chơn Thành đến các huyện Bù Đăng, Phước Long nhan nhản bảng hiệu quảng cáo “cơ sở sản xuất giống cao su” nhưng hầu hết đều không trương bảng hiệu.
Điều kiện cần để hình thành một cơ sở sản xuất cây giống cao su, trước hết người làm giống phải có vườn nhân, chủ động nước tưới, lao động có tay nghề. Các cơ sở sản xuất giống có uy tín cần phải có ít nhất từ 5-10 ha vườn nhân. Muốn có giống để bán, cơ sở phải chuẩn bị trước 1 năm. Trong khi một số cơ sở sản xuất cây giống có bảng hiệu, phải đóng thuế môn bài tháng, năm; bán có hóa đơn chịu thuế VAT; phải bảo đảm vườn nhân để khẳng định nguồn gốc giống; còn các hộ sản xuất nhỏ, lẻ đều “tay không bắt giặc”, cành ghép trôi nổi bất kể giống gì, thậm chí trên một diện tích còn xen lẫn nhiều loại giống khác nhau.
Cây cao su có chu kỳ 25 năm, thời gian kiến thiết cơ bản 6 năm, nên việc đầu tư công sức và chi phí cho vườn cây là rất lớn. Vì vậy, nếu mua phải giống “dỏm”, giống chất lượng kém, người trồng sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Trong khi các cơ quan chức năng đang buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở sản xuất cây giống, thì người mua cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ nguồn gốc cao su giống. Tốt nhất là mua ở các doanh nghiệp cao su nhà nước, của Viện Nghiên cứu Cao su VN, nhằm tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.